263173941
Thứ bảy, 20/04/2024 - 06:15|
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRƯỜNG TH&THCS XÃ ĐĂK PLÔ

ĐẤT VÀ TRỜI

Thuở xưa, đất trời chia thành sáu tầng và nối liền với nhau bằng một cây khổng lồ, tán lá xoè rộng che kin cả không gian. Con người thường theo nhánh cây này đến thăm thế giới của các vị thần linh.

(Tranh: Dương Văn Huynh)

Khi ấy, vạn vật đều có linh hồn và tự biết làm phần việc của mình. Cái niếc tự biết làm cỏ, cái rựa tự biết phát rẫy, cái rìu tự biết đẽo cây. Hạt lúa tự biết ra rẫy vào mùa gieo và về kho vào mùa chín. Cuộc sống của con người khi ấy là những ngày hội, vui tươi, an nhàn như bao vị thần linh khác.

Một ngày kia, có người đàn ông tính hay tò mò đã lén lút theo các nông cụ ra rẫy. Nhìn chúng vui vẻ hát ca, trò chuyện trong khi làm việc, ông ta nghĩ sẽ doạ chúng một phen cho vui. Ông bèn hú lên một tiếng lớn. Tiếng hú bất ngờ, vang động núi rừng đã khiến các nông cụ giật mình hoảng hốt, hồn bay biến, xác ngã lăn ra đất. Từ đấy, nông cụ không còn biết tự làm việc nữa, con người phải tự tay mình lao động.

Rồi một bà lão đăng tri ở làng nọ, thay vì chỉ lấy một mẩu nhỏ của hạt gạo mà nấu lại đem cả hạt cho vào nồi. Gạo chín, cơm bung nở tràn nồi và bay tung lên trời thành muôn đám mây trắng, hồn lúa vỡ ra muôn mảnh. Từ đó, hạt lúa cũng không tự biết đường ra rảy vào mùa gieo trồng và về nhà kho vào mùa thu hoạch như trước nữa.

Vì tán cây khổng lồ che khuất phần lớn mặt trời, không đủ ánh sáng cho việc phát nương, làm rẫy nên con người thường xuyên bị đói. Thế là con người bàn với muôn loài phải chặt cây để lấy ánh sáng. Loài ong đảm trách phần tỉa các cành cây trên cao, loài cua nhận tiếp tế nước uống, nòng nọc được phân công đem cơm,... Nhưng vi tham lam và lười nhác, trên đường đi, nòng nọc ăn bớt phần cơm mang theo, khiến bụng chúng phình to. Loài cua đã uống trộm nước khiến miệng chúng luôn sùi bọt. Chỉ có chủ ong chăm chỉ đợi mãi không thấy cơm ăn và nước uống, bèn lấy khố thắt bụng lại để quên đói, vì vậy chúng có cái eo nhỏ xíu như bây giờ.

Khi cây khổng lồ đang đồ nghiêng thì một nhánh to vướng vào mặt trăng, khiến cả cây bị treo lơ lửng. Thấy vậy, loài sóc nhanh nhẹn cắn đứt nhánh cây, làm cho cây đồ ẩm xuống đất. Cảm ơn loài sóc, vạn vật liền hái hoa của cây khổng lồ này mà tặng cho chúng. Vì thế, lông chúng có các đốm màu xinh đẹp, người ta còn gọi là sóc hoa.

Từ đấy, đất và trời tách rời nhau. Ánh sáng chan hoà toả xuống muôn nơi cho con người phát nương, làm rẫy, xây dựng buôn làng no ấm.

(Theo Phạm Thị Trung, Tín ngưỡng linh hồn của người Xơ-teng,

NXB Văn hoá Dân tộc, Hà Nội, 2010)

Lượt xem: 158
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 11
Hôm qua : 109
Tháng 04 : 599
Năm 2024 : 6.497